Skip to main content

Ngày 17/11/2020, Quốc Hội đã thông qua Luật bảo vệ môi trường năm 20202 (Luật BVMT 2020) sẽ có hiệu lực từ ngày 01/01/2022 và thay thế Luật bảo vệ môi trường cũ năm 2014. Luật BVMT 2020 có nhiều điểm thay đổi, hủy bỏ và thay thế các thủ tục hành chính môi trường làm nhiều doanh nghiệp băn khoăn không biết sẽ cần thực hiện các thủ tục gì và như thế nào.

cac thu tuc moi truong moi theo luat bvmt 2020 1

Một số thủ tục môi trường mới đáng chú ý của Luật BVMT 2020 được Môi Trường ARES liệt kê như sau:

  • Báo cáo Đánh giá Tác động Môi trường sơ bộ;
  • Báo cáo Đánh giá Tác động Môi trường (ĐTM);
  • Điều chỉnh Quyết định phê duyệt ĐTM;
  • Giấy phép môi trường (cấp, cấp lại, cấp đổi);
  • Đăng ký môi trường;
  • Vận hành thử nghiệm công trình xử lý chất thải;
  • Báo cáo công tác bảo vệ môi trường.

1. Đánh giá sơ bộ tác động môi trường mới (ĐTM Sơ Bộ)

Đây là một khái niệm mới theo Luật BVMT 2020. ĐTM Sơ Bộ áp dụng cho các dự án Nhóm I và phải được thực hiện trong giai đoạn nghiên cứu tiền khả thi đầu tư xây dựng, đề xuất quyết định chủ trương đầu tư hoặc chấp thuận chủ trương đầu tư. Quy định về nội dung của ĐTM Sơ Bộ đã có hiệu lực từ ngày 01/02/2021 để phù hợp với hiệu lực của các sửa đổi mới của luật xây dựng.

Việc xin cấp phê duyệt chủ trương đầu tư có thể khó khăn hơn do ĐTM Sơ Bộ sẽ được cơ quan có thẩm quyền xem xét cùng với hồ sơ xin phê duyệt nghiên cứu tiền khả thi hoặc chủ trương đầu tư. Hiện nay, pháp luật chưa quy định rõ ràng về tiêu chí để cơ quan có thẩm quyền xem xét và đánh giá ĐTM Sơ Bộ, dường như cơ quan này có thể tự quyết định xem ĐTM Sơ Bộ của nhà đầu tư có thỏa mãn hay không.

2. Đánh giá tác động môi trường (ĐTM)

Luật BVMT 2020 quy định rõ hơn về nội dung của báo cáo ĐTM. Các nội dung chính của báo cáo ĐTM bổ sung nhiều yêu cầu hơn so với Luật BVMT 2014, đặc biệt báo cáo yêu cầu phải đánh giá, nhận dạng các sự cố môi trường có thể xảy ra; đánh giá sự phù hợp của dự án đầu tư với quy hoạch BVMT quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh, quy định của pháp luật về BVMT và quy định khác của pháp luật có liên quan… Thay vì phê duyệt báo cáo ĐTM như Luật BVMT 2014, Luật BVMT 2020 quy định về việc phê duyệt kết quả thẩm định báo cáo ĐTM để làm căn cứ cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện việc thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi, thiết kế cơ sở của dự án.

Luật BVMT 2020 bãi bỏ những quy định về kế hoạch BVMT. Điều khoản chuyển tiếp của Luật BVMT 2020 quy định: “Quyết định phê duyệt báo cáo ĐMT, báo cáo ĐMT sơ bộ, báo cáo ĐMT chi tiết, báo cáo ĐMT bổ sung, báo cáo ĐMT lập lại, đề án BVMT chi tiết và văn bản xác nhận đề án BVMT đơn giản, bản đăng ký đạt tiêu chuẩn môi trường, cam kết BVMT, kế hoạch BVMT đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành là văn bản tương đương với quyết định phê duyệt kết quả thẩm định báo cáo ĐMT khi xem xét, cấp giấy phép môi trường”.

3. Điều chỉnh Quyết định phê duyệt đánh giá tác động môi trường (Điều chỉnh quyết định ĐTM)

Tất cả các dự án thuộc Nhóm I và các loại 4, 5, 6, 7 của Nhóm II (trừ các dự án đầu tư công khẩn cấp) đều phải thực hiện ĐTM. Theo Luật BVMT 2020, chủ dự án cần lập báo cáo ĐTM đồng thời với việc lập báo cáo nghiên cứu khả thi hoặc tài liệu tương đương, và báo cáo ĐTM phải được trình cơ quan có thẩm quyền để thẩm định trước khi báo cáo nghiên cứu khả thi được kết luận thẩm định.

Phê duyệt báo cáo ĐTM theo Luật BVMT 2020 là Quyết định phê duyệt kết quả thẩm định. Sau khi có Quyết định, chủ dự án phải điều chỉnh và bổ sung các nội dung của dự án đầu tư và báo cáo ĐTM để phù hợp với nội dung và yêu cầu về bảo vệ môi trường nêu trong Quyết Định.

4. Giấy phép môi trường

Đây là một khái niệm mới theo Luật BVMT 2020. Giấy phép môi trường được sử dụng cho việc xả thải ra môi trường, quản lý chất thải, nhập khẩu phế liệu từ nước ngoài làm nguyên liệu thô sản xuất. Giấy phép môi trường bao gồm một số giấy phép liên quan đến chất thải và nhập khẩu phế liệu theo Luật BVMT 2014 cũ và các luật khác có liên quan như giấy phép xả nước thải vào nguồn nước (Luật tài nguyên nước), giấy phép xả nước thải vào công trình thủy lợi (theo Luật thủy lợi), giấy phép xử lý chất thải nguy hại, đăng ký chủ sở hữu chất thải nguy hại,…

Chủ dự án được tiếp tục sử dụng giấy phép cho đến khi hết thời hạn của giấy phép liên quan hoặc đến hết 5 năm kể từ ngày Luật BVMT 2020 có hiệu lực nếu giấy phép không có thời hạn.

Giấy phép môi trường áp dụng đối với (1) dự án đầu tư thuộc Nhóm I, Nhóm II và Nhóm III có phát sinh nước thải, bụi, khí thải ra môi trường mà phải xử lý, phát sinh chất thải nguy hại phải được quản lý theo quy định về quản lý chất thải khi dự án đi vào hoạt động chính thức và (2) dự án đầu tư, cơ sở, khu sản xuất, kinh doanh, khu dịch vụ tập trung, cụm công nghiệp hoạt động trước ngày Luật BVMT 2020 có hiệu lực thi hành có cùng tiêu chí về môi trường như đã thảo luận tại mục (1) nêu trên. Giấy phép môi trường sẽ nêu rõ phạm vi cho phép về môi trường và các yêu cầu về bảo vệ môi trường. Giấy phép môi trường sẽ có thời hạn từ 7 đến 10 năm tùy theo loại dự án.

5. Đăng ký môi trường

Đây cũng là một khái niệm mới theo Luật BVMT 2020. Dự án đầu tư, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có phát sinh chất thải nhưng không thuộc diện phải cấp giấy phép môi trường phải thực hiện đăng ký môi trường (trừ trường hợp được miễn khác).  

Luật BVMT 2020 quy định cụ thể và thu hẹp các đối tượng bắt buộc phải thực hiện đăng ký môi trường đối với những cơ sở có phát sinh chất thải. Đây là cách tiếp cận khác so với đăng ký kế hoạch bảo vệ môi trường theo Luật BVMT 2014. Kế hoạch bảo vệ môi trường áp dụng đối với các dự án nói chung không thuộc đối tượng ĐTM, được xác định dựa trên quy mô, công suất nhưng không căn cứ vào mức độ phát sinh chất thải của dự án đó.

Đối với các dự án đầu tư mới sau ngày Luật BVMT 2020 có hiệu lực, tùy theo loại hình dự án, việc đăng ký môi trường phải được thực hiện trước khi cấp giấy phép xây dựng, xả thải ra môi trường hoặc đi vào hoạt động chính thức.

Đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ hoạt động trước ngày Luật BVMT 2020 có hiệu lực thi hành thì phải thực hiện đăng ký môi trường trong thời hạn 24 tháng kể từ ngày Luật BVMT 2020 có hiệu lực.

6. Vận hành thử nghiệm công trình xử lý chất thải

Vận hành thử nghiệm công trình xử lý chất thải được thực hiện sạu khi cấp Giấy phép môi trường. Đây là cách tiếp cận khác so với Luật BVMT 2014 cũ, vận hành thử nghiệm được thực hiện trước và kết quả hoàn thành vận hành thử nghiệm là cơ sở để cấp Giấy xác nhận hoàn thành các công trình bảo vệ môi trường.

Theo Luật BVMT 2020 định nghĩa, vận hành thử nghiệm công trình xử lý chất thải là việc vận hành nhằm kiểm tra, đánh giá hiệu quả và sự phù hợp với yêu cầu về bảo vệ môi trường đối với công trình xử lý chất thải của chủ dự án đầu tư, cơ sở, khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung, cụm công nghiệp.

Thời gian vận hành thử nghiệm công trình xử lý chất thải từ 03 đến 06 tháng kể từ thời điểm bắt đầu vận hành thử nghiệm.

7. Báo cáo công tác bảo vệ môi trường

Luật BVMT 2020 không có nhiều thay đổi đối với thủ tục này. Dựa trên cơ sở qu định thông tư 25/2019/TT-BTNMT ngày 31 tháng 12 năm 2019, các loại báo cáo định kỳ (bao gồm báo cáo quan trắc và giám sát môi trường định kỳ, quan trắc tự động liên tục, quản lý chất thải rắn sinh hoạt, quản lý chất thải rắn công nghiệp thông thường, quản lý chất thải nguy hại, quản lý phế liệu nhập khẩu, kết quả giám sát và phục hồi môi trường trong khai thác khoáng sản) của cơ sở sản xuất, kinh doanh dịch vụ được tích hợp thành Báo cáo công tác bảo vệ môi trường. Theo Luật BVMT 2020, Báo cáo công tác bảo vệ môi trường được thực hiện hằng năm theo chu kỳ tính từ ngày 01 tháng 01 đến hết ngày 31 tháng 12. Thời gian nộp báo cáo trước ngày 31/01 của năm tiếp theo.

Mọi thắc mắc, hướng dẫn Quý doanh nghiệp liên hệ ngay với chúng tôi để được tư vấn miễn phí và hỗ trợ nhanh nhất theo

Close Menu
Verified by MonsterInsights