Skip to main content

Phân loại dự án đầu tư là quá trình đánh giá các tác động của dự án đến môi trường, từ đó đưa ra các biện pháp giảm thiểu và quản lý tác động môi trường phù hợp, nhằm đáp ứng yêu cầu lập hồ sơ môi trường theo quy định pháp luật.

Trong bài viết này, chúng ta sẽ tìm hiểu về các tiêu chí phân loại dự án đầu tư dựa trên các tiêu chí môi trường, cùng với việc phân loại dự theo nhóm đầu tư I, II, III. Những thông tin này sẽ giúp cho nhà đầu tư và đơn vị tư vấn môi trường có cái nhìn tổng quan và chính xác hơn về mức độ bền vững và giảm thiểu tối đa các tác động đối với môi trường xung quanh.

phan loai du an dau tu

Các tiêu chí để phân loại dự án đầu tư

(1) Tiêu chí môi trường trong phân loại dự án đầu tư

  • Quy mô của Dự án;
  • Công suất của Dự án;
  • Loại hình Dự án;
  • Diện tích sử dụng đất, đất có mặt nước, khu vực biển;
  • Yếu tố nhạy cảm về môi trường.

(2) Phân loại dự án đầu tư theo nhóm đầu tư I, II, III

Hướng dẫn chi tiết phân loại dự án đầu tư

(1) Tiêu chí môi trường trong phân loại dự án đầu tư

Khoản 1 Điều 28 Luật Bảo vệ môi trường 2020 quy định các tiêu chí môi trường để phân loại dự án đầu tư gồm:

  • Quy mô, công suất, loại hình sản xuất;
  • Diện tích sử dụng đất, quy mô khai thác, sử dụng tài nguyên nước, khoáng sản, giao khu vực biển;
  • Yếu tố nhạy cảm về môi trường.

Trên cơ sở này Nghị định 08/2022/NĐ-CP quy định cụ thể như sau:

Quy mô của Dự án

Quy mô Dự án được Quy định tại khoản 1 Điều 25 Nghị định 08/2022/NĐ-CP:

– Quy mô được phân loại theo tiêu chí quy định của pháp luật về đầu tư công, gồm dự án quan trọng quốc gia, nhóm A, nhóm B  và nhóm C.

– Quy mô diện tích sử dụng đất, đất có mặt nước của dự án được phân thành 03 loại: lớn (>100 ha), trung bình (50- 100 ha) và nhỏ (<50 ha).

– Quy mô sử dụng khu vực biển được phân thành 02 nhóm theo thẩm quyền cấp giấy phép nhận chìm ở biển, giao khu vực biển và giao khu vực biển để lấn biển.

– Quy mô khai thác tài nguyên thiên nhiên được phân thành 02 nhóm theo thẩm quyền cấp giấy phép khai thác khoáng sản, khai thác sử dụng tài nguyên nước; xả nước thải vào nguồn nước.

* Lưu ý về quy mô Dự án khi phân loại dự án đầu tư

Quy mô cần căn cứ phân loại Dự án theo tiêu chí pháp Luật đầu tư công, tài nguyên biển, khoáng sản, tài nguyên nước.

– Phân loại Dự án đầu tư công được quy định tại Phụ lục I Nghị định số 40/2020/NĐ-CP hướng dẫn thi hành Luật đầu tư công ngày 06/04/2020 của Chính phủ (cần rà soát theo quy định để xác định).

Luật tài nguyên biển: Nhận chìm ngoài 06 hải lý thẩm quyền của Bộ Tài nguyên Môi trường.

– Luật khoáng sản, tài nguyên nước: Khoáng sản kim loại, nước cho thủy điện từ 2MW trở lên thẩm quyền của Bộ Tài nguyên Môi trường.

Công suất của Dự án

Công suất của Dự án có nguy cơ ô nhiễm môi trường được chia thành 03 loại: lớn, trung bình và nhỏ (Phụ lục II Nghị định 08/2022/NĐ-CP). Như vậy, các Dự án không thuộc loại hình nguy cơ gây ô nhiễm môi trường theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường không phân theo công suất lớn, trung bình, nhỏ. 

Loại hình của Dự án

– Dự án thuộc loại hình sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường (Phụ lục II) ban hành kèm theo Nghị định 08/2022/NĐ-CP;

– Dự án thuộc loại hình sản xuất, kinh doanh, dịch vụ khác không thuộc loại hình sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường.

Diện tích sử dụng đất, đất có mặt nước, khu vực biển

– Diện tích sử dụng đất, đất có mặt nước: lớn (≥ 100 ha); trung bình (50-100 ha); nhỏ (< 50 ha).

Có sử dụng đất của khu bảo tồn; di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh được xếp hạng cấp quốc gia, quốc gia đặc biệt; rừng phòng hộ, rừng tự nhiên.

Chuyển đổi mục đích sử dụng đất: đất lúa; khu bảo tồn; di tích lịch sử; danh lam thắng cảnh được xếp hạng cấp quốc gia, quốc gia đặc biệt; rừng phòng hộ, rừng tự nhiên.

* Lưu ý đối với sử dụng, chuyển đổi mục đích sử dụng đất:

– Nghị định 08/2022/NĐ-CP quy định cụ thể về 02 loại: sử dụngchuyển đổi (sử dụng thì với diện tích lớn hơn so với diện tích chuyển đổi).

– Chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa thực hiện theo quy định của pháp luật đất đai (≥ 10 ha: Thủ tướng; <10 ha thuộc Hội đồng nhân dân tỉnh).

– Quy định về chuyển đổi đất lúa theo thẩm quyền để đồng bộ hệ thống pháp luật.

Yếu tố nhạy cảm về môi trường để phân loại dự án đầu tư

Khoản 4 Điều 25 Nghị định số 08/2022/NĐ-CP, cụ thể như sau:

a) Dự án thuộc loại hình sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường (Phụ lục II) nằm trong nội thành, nội thị của đô thị theo quy định của pháp luật về phân loại đô thị;

b) Dự án có xả nước thảo vào nguồn nước mặt được dùng cho mục đích cấp nước sinh hoạt theo quy định của pháp luật về tài nguyên nước;

c) Dự án có sử dụng đất, đất có mặt nước của khu bảo tồn thiên nhiên; rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, rừng tự nhiên; khu bảo tồn biển, khu bảo vệ nguồn lợi thủy sản; vùng đất ngập nước quan trọng và di sản thiên nhiên khác được xác lập, công nhận theo quy định tại Nghị định này (trừ các dự án đầu tư xây dựng công trình phục vụ quản lý bảo vệ rừng, bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học, phòng cháy chữa cháy rừng, lâm sinh được cấp có thẩm quyền phê duyệt);

d) Dự án có sử dụng đất, đất có mặt nước của di tích lịch sử- văn hóa, danh lam thắng cảnh đã được xếp hạng (trừ các dự án bảo quản, tu bổ, phục hồi, tôn tạo di tích lịch sử- văn hóa, danh lam thắng cảnh, xây dựng công trình nhằm phục vụ việc quản lý, vệ sinh môi trường, bảo vệ di tích lịch sử- văn hóa, danh lam thắng cảnh và các dự án bảo trì, duy tu bảo đảm an toàn giao thông);

đ) Dự án có yêu cầu chuyển đổi mục đích sử dụng đất trồng lúa nước từ 02 vụ trở lên theo thẩm quyền quy định của pháp luật về đất đai; dự án có yếu cầu chuyển đổi mục đích sử dụng đất, đất có mặt nước của khu bảo tồn thiên nhiên, di sản thiên nhiên, khu dự trữ sinh quyển, vùng đất ngập nước quan trọng, rừng tự nhiên, rừng phòng hộ (trừ các dự án phục vụ quản lý, bảo vệ rừng, bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học, PCCC rừng, lâm sinh được cấp thẩm quyền phê duyệt);

e) Dự án có yêu cầu di dân, tái định cư theo thẩm quyền quy định của pháp luật về đầu tư công, đầu tư và pháp luật về xây dựng

 (2) Phân loại Dự án đầu tư

– Căn cứ tiêu chí về môi trường quy định tại Khoản 1 Điều 28 Luật Bảo vệ môi trường 2020, Dự án được chia thành 04 nhóm: I, II, III, IV; chi tiết nhóm I, II, III được quy định cụ thể tại Phụ lục III, IV, V của Nghị định số 08/2022/NĐ-CP.

  • Dự án thuộc nhóm I có nguy cơ tác động xấu đến môi trường ở mức độ cao quy định tại Khoản 3 Điều 28 Luật Bảo vệ môi trường;
  • Dự án thuộc nhóm II có nguy cơ tác động xấu đến môi trường quy định tại Khoản 4 Điều 28 Luật Bảo vệ môi trường.
  • Dự án thuộc nhóm III ít có nguy cơ tác động xấu đến môi trường quy định tại Khoản 5 Điều 28 Luật Bảo vệ môi trường.
  • Dự án thuộc nhóm IV không có nguy cơ tác động xấu đến môi trường không thuộc quy định tại Khoản 3, 4 và 5 Điều 28 Luật Bảo vệ môi trường.

– Việc xác định được Dự án đầu tư thuộc nhóm nào (I, II, III, IV) là hết sức quan trọng, vì căn cứ theo nhóm để xác định đối tượng và thẩm quyền định hồ sơ môi trường.

Lưu ý về phân loại Dự án dự án đầu tư

– Dự án nhóm I: Cần thực hiện ĐTM sơ bộ; ĐTM cấp Bộ; giấy phép môi trường (nếu có).

– Dự án nhóm II: Phải làm ĐTM (trừ các Dự án thuộc mục I Phụ lục IV); giấy phép môi trường (nếu có).

– Dự án nhóm III: Chỉ cần làm giấy phép môi trường (nếu có)

– Chỉ đăng ký môi trường (trừ các dự án không phát sinh chất thải hoặc phát sinh ít chất thải, dự án bí mật quốc phòng, an ninh (quy định tại điểm b Khoản 2 Điều 49 Luật Bảo vệ môi trường) hoặc thuộc đối tượng được miễn đăng ký môi trường theo quy định tại Phụ lục XVI Nghị định 08/2022/NĐ-CP).

Lưu ý tiêu chí môi trường, phân loại Dự án đầu tư

– Có thuộc loại hình sản xuất kinh doanh, dịch vụ có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường không? Nếu thuộc nhóm này cần lưu ý tiếp: thuộc nhóm công suất nào; có nằm trong nội thành, nội thị không? Có những yếu tố nhạy cảm về môi trường nào khác không?

– Nếu không thuộc loại hình có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường thì cần xem xét: Quy mô sử dụng đất, đất có mặt nước; dự án thuộc nhóm nào theo tiêu chí của pháp luật về đầu tư công; thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư; thẩm quyền khai thác khoáng sản, khai thác, sử dụng tài nguyên nước, giao khu vực biển; có những yếu tố nhạy cảm về môi trường nào.

Tóm lại, việc phân loại dự án đầu tư theo tiêu chí môi trường và nhóm đầu tư là cực kỳ quan trọng để đảm bảo sự bền vững và giảm thiểu tác động với môi trường và cũng là cơ sở để thực hiện báo cáo đánh giá tác động môi trường.

Nguồn tham khảo


Close Menu
Verified by MonsterInsights