Những đối tượng phải đăng ký môi trường và những đối tượng nào được miễn đăng ký môi trường
1. Đăng ký môi trường (ĐKMT) là gì?
Là việc chủ dự án đầu tư, cơ sở sản xuất- kinh doanh- dịch vụ thực hiện đăng ký với cơ quan quản lý nhà nước các nội dung liên quan đến xả chất thải và biện pháp bảo vệ môi trường của dự án đầu tư, cơ sở sản xuất- kinh doanh- dịch vụ.
2. Đối tượng phải đăng ký môi trường
– Dự án đầu tư có phát sinh chất thải không thuộc đối tượng phải có giấy phép môi trường;
– Cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ hoạt động trước ngày Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 có hiệu lực thi hành có phát sinh chất thải không thuộc đối tượng phải có giấy phép môi trường.
Theo khoản 1 điều 49 của Luật BVMT năm 2020
3. Đối tượng được miễn đăng ký môi trường
– Dự án đầu tư, cơ sở thuộc bí mật nhà nước về quốc phòng, an ninh;
– Dự án đầu tư khi đi vào vận hành và cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ không phát sinh chất thải hoặc chỉ phát sinh chất thải rắn sinh hoạt dưới 300kg/ngày được quản lý theo quy định của chính quyền địa phương; hoặc phát sinh nước thải dưới 05 m3/ngày, khí thải dưới 50 m3/giờ được xử lý bằng công trình thiết bị xử lý tại chỗ hoặc được quản lý theo quy định của chính quyền địa phương;
– Danh mục dự án đầu tư, cở sở được miễn đăng ký môi trường bao gồm:
1. Hoạt động đào tạo nguồn nhân lực; các hoạt động tư vấn, chuyển giao công nghệ, dạy nghề, đào tạo kỹ thuật, kỹ năng quản lý, cung cấp thông tin, tiếp thị, xúc tiến đầu tư và thương mại;
2. Sản xuất, trình chiếu và phát hành chương trình truyền hình; sản xuất phim điện ảnh, phim video; hoạt động truyền hình, hoạt động ghi âm và xuất bản âm nhạc;
3. Dịch vụ thương mại, buôn bán lưu động, không có địa điểm cố định;
4. Dịch vụ thương mại, buôn bán các sản phẩm, hàng hóa tiêu dùng, đồ gia dụng có diện tích xây dựng dưới 200 m2;
5. Dịch vụ ăn uống có diện tích nhà hàng dưới 200 m2;
6. Dịch vụ sửa chữa, bảo dưỡng đồ gia dụng quy mô cá nhân, hộ gia đình;
7. Dịch vụ photocopy, truy cập internet, trò chơi điện tử;
8. Canh tác trên đất nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản, chăn nuôi quy mô cá nhân, hộ gia đình;
9. Trồng khảo nghiệm các loài thực vật quy mô dưới 01 ha;
10. Xây dựng nhà ở cá nhân, hộ gia đình;
11. Dự án, cơ sở nuôi trồng thủy sản trên biển, sông, suối, hồ chứa có lưu lượng nước thải dưới 10.000 m3/ngày đêm;
12. Dự án đầu tư, cơ sở đáp ứng đầy đủ các tiêu chí sau:
– Không phát sinh khí thải phải xử lý;
– Không phát sinh nước thải hoặc có phát sinh nước thải nhưng đấu nối vào hệ thống xử lý nước thải tập trung mà hệ thống đó được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp giấy phép môi trường;
– Không phát sinh chất thải nguy hại trong quá trình hoạt động.
3. Cơ quan thẩm định/ cấp phép/ tiếp nhận hồ sơ
Uỷ ban Nhân dân cấp xã.
4. Thời điểm đăng ký môi trường được quy định
– Dự án đầu tư có phát sinh chất thải không thuộc đối tượng phải có giấy phép môi trường (GPMT) và thuộc đối tượng phải thực hiện đánh giá tác động môi trường (ĐTM) phải đăng ký môi trường (ĐKMT) trước khi vận hành chính thức;
– Dự án đầu tư có phát sinh chất thải không thuộc đối tượng phải có GPMT nhưng không thuộc đối tượng phải thực hiện ĐTM phải ĐKMT trước khi cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép xây dựng đối với trường hợp phải có giấy phép xây dựng theo quy định của pháp luật về xây dựng hoặc trước khi xả chất thải ra môi trường đối với trường hợp không phải có giấy phép xây dựng theo quy định của pháp luật về xây dựng;
– Cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ hoạt động trước ngày Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 có hiệu lực thi hành có phát sinh chất thải không thuộc đối tượng phải có GPMT phải ĐKMT trong thời hạn 24 tháng kể từ ngày Luật này có hiệu lực thi hành.