Skip to main content
Tài liệu môi trường

Vận hành hệ thống xử lý nước thải thủy sản


Ngành chế biến thủy sản đang trên đà phát triển mạnh mẽ, kéo theo đó l lượng nước thải khổng lồ chứa đựng đầy rẫy nguy cơ ô nhiễm môi trường. Xử lý nước thải trở thành bài toán nan giải, một “gánh nặng” cho các doanh nghiệp thủy sản nếu không muốn đối mặt với nguy cơ đóng cửa hoặc chịu phạt nặng.

Vậy điều gì khiến công tác xử lý nước thải thủy sản trở nên phức tạp đến vậy? Câu trả lời nằm ở chính đặc tính “biến động khó lường” của nguồn thải. Lưu lượng và nồng độ ô nhiễm trong nước thải thủy sản thay đổi liên tục, chịu ảnh hưởng bởi vô số yếu tố như mật độ nuôi, loại thức ăn, điều kiện thời tiết,…

Điều này đòi hỏi người vận hành hệ thống phải là những “bậc thầy xử lý”, sở hữu kinh nghiệm thực chiến dày dặn mới có thể “thuần phục” được dòng chảy ô nhiễm và đảm bảo hệ thống vận hành hiệu quả. Liệu đâu là giải pháp tối ưu để “chế ngự” sự bất thường của nước thải thủy sản, giúp doanh nghiệp an tâm sản xuất mà không còn lo ngại về vấn đề môi trường?

1. Quy trình công nghệ hệ thống xử lý nước thải thủy sản

he thong xu ly nuoc thai thuy san

1.1 Bể gom

  • Tại ngăn 1: Nước thải phát sinh từ quá trình chế biến & vệ sinh sản phẩm sẽ theo hệ thống thoát nước thải vào mương dẫn, tại đây có song chắn rác được lắp đặt nhằm loại bỏ rác có kích thước lớn (đầu cá, xương, vây cá,…) trước khi vào ngăn 1 bể gom và được bơm vào hệ thống xử lý nước thải thủy sản.
  • Tại ngăn 2: Nước vệ sinh máy ép bùn, nước tách ra từ quá trình ép bùn được dẫn về tại bể gom (ngăn 2). Khi bể đầy, tiến hành bật bơm để đưa qua lược rác tinh để loại bỏ bùn bã tồn động, lấy phần nước trong đưa vào bể điều hòa để chờ xử lý tại hệ thống xử lý nước thải thủy sản.

1.2 Thiết bị tách rác tinh

WIKI PICS min 10

Là thiết bị để loại bỏ các chất rắn có trong nước thải, bảo vệ các thiết bị và giảm tải lượng ô nhiễm của nguồn thải trước khi vào hệ thống xử lý sinh học. Với kích thước khe lược từ 0.3 – 1mm sẽ giữ lại vảy cá, bã, thịt vụn … còn sót lại sau song chắn rác ở bể thu gom.

1.3 Bể điều hòa

Bể điều hòa được thiết kế với thời gian lưu đủ lớn để cân bằng về lưu lượng và ổn định nồng độ các thành phần ô nhiễm có trong nước thải trước khi đi vào các công trình xử lý phía sau.

Một số ưu điểm của việc thiết kế bể điều hòa cụ thể như sau:

  • Lưu trữ nước thải phát sinh vào những giờ cao điểm và phân phối đều cho các bể xử lý phía sau.
  • Kiểm soát các dòng nước thải có nồng độ ô nhiễm cao.
  • Tránh gây quá tải cho các quá trình xử lý phía sau.
  • Có vai trò là bể chứa nước thải khi hệ thống dừng lại để sửa chữa hay bảo trì.

Trong bể có lắp đặt các đĩa thổi khí nhằm xáo trộn nước thải, tránh điều kiện kỵ khí sinh mùi hôi.

1.4 Hệ thống DAF

Bể tuyển nổi siêu nông (DAF) là một thiết bị dùng để tách và loại bỏ cặn lơ lửng có kích thước rất nhỏ trong nước thải mà phương pháp lắng trọng lực thông thường không thể loại bỏ được.

Hiệu quả tách cặn đạt được bởi các vi bọt khí cực mịn được tạo từ máy nén khí đưa vào bồn tạo áp cùng dòng nước thải tuần hoàn trước khi đưa vào bể tuyển nổi siêu nông (bão hòa).

Dầu mỡ, cặn lơ lửng sẽ được tách khỏi bể tuyển nổi siêu nông và được dẫn về bể chứa bùn. Phần nước trong sau khi qua bể tuyển nổi siêu nông sẽ tự chảy sang bể tiền kỵ khí để chuẩn bị cho quá trình cấp vào bể kỵ khí.

1.5 Bể kỵ khí

Tại bể kỵ khí, thực hiện chức năng phân giải các chất hữu cơ phức tạp trong nước thải thành các dạng đơn giản dưới tác dụng của vi sinh vật kỵ khí trong môi trường không có oxy. Nước thải sau kỵ khí sẽ giảm được nồng độ ô nhiễm của  COD, nitơ, photpho trong nước thải

1.6 Bể Anoxic

Tại bể Anoxic, diễn ra quá trình khử nitrat, nitrit giải phóng khí Nitơ ra môi trường. Nước thải giàu nitrat, nitrit sẽ được bổ sung vào bể nhờ có dòng tuần hoàn từ bể sinh học phía sau (Aerotank), bùn hoạt tính cũng được tuần hoàn từ bể lắng sinh học để bổ sung bùn đầy đủ trong quá trình xử lý nước thải.

Phương trình khử nitrat từ bsCOD (biodegradable soluble Chemical Oxygen Demand):

C10H19O3N + 10 NO3 →5N2 + 10 CO2 + 3 H2O + NH3 + 10 OH

Máy khuấy được lắp đặt tại bể nhằm tạo sự khuấy trộn giữa nước thải và lớp bùn vi sinh, giúp quá trình xử lý diễn ra hiệu quả hơn.

1.7 Bể MBBR & Bể Aerotank

Tại bể Aerotank, không khí được cấp vào trong bể tạo điều kiện xáo trộn bùn hoạt tính và nước thải. Vi sinh vật sử dụng oxy được cấp vào để tiêu thụ các chất ô nhiễm hữu cơ có trong nước thải. Các quá trình diễn ra trong bể sinh học hiếu khí bao gồm:

a. Quá trình xử lý các chất ô nhiễm hữu cơ – BOD, COD

– Quá trình oxi hóa (hay dị hóa)

(COHNS) +O2+VK hiếu khí CO2 + NH4+ + sản phẩm khác + năng lượng + chất hữu cơ
– Quá trình tổng hợp (hay đồng hóa)

(COHNS) + O2 + vi khuẩn hiếu khí C5H7O2N + năng lượng

Khi hàm lượng chất hữu cơ thấp hơn nhu cầu của vi khuẩn, vi khuẩn sẽ trải qua quá trình hô hấp nội bào hay là tự oxi hóa để sử dụng nguyên sinh chất của bản thân chúng làm cơ chất.

b. Quá trình chuyển hóa nitrat (nitrification process)

Quá trình nitrat hóa: diễn ra trong bể với sự góp mặt của 2 chủng loại vi sinh vật tự dưỡng Nitrosomonas và Nitrobacter theo cơ chế sau:

– Bước 1: Ammonia được chuyển thành nitrit bởi loài Nitrosomonas (diễn ra tại lớp hiếu khí của lớp màng vi sinh vật).

NH4+ + 1,5 O2 → NO2 + 2H+ + H2O

– Bước 2: Nitrite được chuyển thành nitrat bởi loài Nitrobacter.

NO2 +0,5 O2 → NO3

Tổng hợp 2 phản ứng trên được viết lại như sau:

NH4+ + 2 O2 → NO3 + 2H+ + H2O

c. Quá trình hấp thu các chất dinh dưỡng dạng N, P vào trong bùn

Một phần Nitơ, Photpho sẽ được giảm thiểu nhờ việc hấp thu vào bùn thải trong quá trình xử lý sinh học.

Ngoài ra, trong bể còn bổ sung các giá thể sinh học ở dạng lơ lửng đóng vai trò là nơi để cho các vi khuẩn cư trú, sinh sản và phát triển, giúp duy trì nồng độ vi sinh vật ổn định trong quá trình xử lý. Khi vi sinh vật phát triển kín trên bề mặt giá thể thì các vi sinh vật cũng sẽ được phát triển theo hướng “chuyên môn hóa” nhằm xử lý theo xu hướng tập trung vào các chất hữu cơ chuyên biệt.

Cụ thể theo điều kiện cấp khí vào bể mà trong lớp màng vi sinh tồn tại 3 chủng vi sinh vật. Lớp ngoài cùng nhận được nhiều oxy sẽ trở thành lớp bùn hiếu khí với các cơ chế xử lý tương tự bể bùn hoạt tính thông thường. Lớp giữa & trong cùng sẽ nhận ít không khí hơn trở thành lớp thiếu khí thuận lợi cho quá trình khử nitơ (denitrification).

Việc kết hợp các giá thể vi sinh MBBR mật độ thấp giúp tải trọng xử lý chất ô nhiễm cao hơn, hệ vi sinh vật hoạt động hiệu quả và ổn định hơn.

Sau khi tiến hành quá trình xử lý sinh học, phần lớn các chất hữu cơ có trong nước thải được loại bỏ. Nước thải sau khi qua quá trình xử lý sinh học tiếp tục chảy vào bể lắng sinh học.

1.8 Bể lắng 1 (Lắng bùn sinh học)

Hỗn hợp bùn và nước trong bể Aerotank sẽ được dẫn sang bể lắng sinh học để thực hiện quá trình tách sinh khối ra khỏi nước thải. Lúc này, bùn và nước được tách ra, bùn (tế bào vi sinh vật) sẽ lắng xuống đáy bể. Bùn lắng được gom về hố thu đặt ở đáy bể nhờ vào dàn gạt bùn và tự chảy vào ngăn bơm bùn sinh học, sau đó bùn hoạt tính được bơm hồi lưu trở lại bể Anoxic giúp duy trì nồng độ bùn hoạt tính thích hợp trong bể.

Một phần bùn dư được đưa sang bể nén bùn. Nước sau lắng được thu phía trên sẽ theo máng tràn tự chảy vào bể xử lý tiếp theo.

1.9 Bể Lắng 2 (Lắng hoá lý)

Để tăng cường độ trong và hiệu quả nước sau xử lý (các thành phần vi sinh không xử lý triệt để), tại bể lắng hóa lý, sẽ cho thêm PAC vào keo tụ. Bùn hóa lý sẽ được loại bỏ về bể chứa bùn, không tuần hoàn bùn này về bể sinh học.

1.10 Bãi lọc thực vật

xu ly nuoc thuy san 1

Bãi lọc ngầm trồng cây có nhiều ưu điểm như nâng cao hiệu suất xử lý được chất dinh dưỡng như : Photpho, ni tơ, Amoni,… Cải thiện mỹ quan công trình.

>>>Xem thêm: AAO-MBBR & Wetland xử lý nước thải thủy sản

1.11 Bể khử trùng

Sau khi qua hệ thống lọc, nước thải được đưa vào thiết bị phản ứng siêu tốc để khử trùng. Nước thải được xáo trộn với chất khử trùng được cung cấp bởi bơm định lượng nhằm tiêu diệt vi khuẩn Coliform và các vi sinh vật gây hại khác. Nước sau xử lý đạt QCVN 40:2010/BTNMT – Cột A.

2. Thông số vận hành hệ thống xử lý nước thải thủy sản

Hạng mụcHạng mục kiểm soát trong vận hành
Bể gom– Mực nước trong bể: Luôn duy trì ở mức cạn bể 300mm – 400 mm trong bể (vừa ngập bơm).
– Vệ sinh bể, vệ sinh mương dẫn hằng ngày trong ca vận hành.
Bể điều hòa– Mực nước trong bể: Luôn duy trì cạn bể từ 500mm – 1000 mm trong bể.
– Kiểm tra pH: 6.5 – 8, tần suất 4 lần/ngày theo nhật ký ghi chép vận hành.
– Ổn định lưu lượng cấp tải, không tăng lên hoặc giảm xuống liên tục trong ca vận hành.
DAF– Kiểm tra, theo dõi áp suất khí nén, đảm bảo mức : 3.5 – 4.5 kg/cm2.
– Kiểm tra, theo dõi áp suất trong bình tích áp, đảm bảo mức : 3.5 – 4.5 kg/cm2.
– Vệ sinh, xả đáy DAF, bơm tuần hoàn: 1 – 2 lần/tuần (xem xét mức độ để thực hiện) – Trong quá trình vận hành, thường xuyên theo dõi lượng bã tuyển nổi ra trên bề mặt để cân chỉnh hóa chất, áp suất cho phù hợp (theo dõi bể tạo bông, áp suất khí nén, áp bơm tuần hoàn).
Tiền kỵ khí– Đảm bảo bơm tiền hoạt động liên tục (hạn chế tối đa việc dừng bơm, kiểm tra mực nước phao cạn thường xuyên để cân chỉnh van xả hồi).
– Cân chỉnh, đảm bảo lưu lượng cấp vào trong một ngày ở mức ổn định, không tăng giảm liên tục lưu lượng (8-12 m3/giờ).
Kỵ khí– Theo dõi, kiểm tra chất lượng nước sau kỵ khí để bổ sung thêm vi sinh kỵ khí nếu cần thiết.
– Kiểm tra, kiểm soát các thông số vận hành: pH = 7-8, Nhiệt độ: 20- 37 độ. – Hạn chế tối đa lượng bùn, cặn từ kỵ khí vào bể tiếp theo.
Hậu kỵ khí– Theo dõi, cân chỉnh van xả hồi để duy trì việc cấp tải liên tục.
– Thường xuyên kiểm tra mực nước để hoạt động ổn định, tránh gây tràn bể.
– Vệ sinh thanh thải bùn cặn tồn động trong bể hậu kỵ khí.
Anoxic– Kiểm tra các thông số vận hành: pH = 7 – 8, DO <0.5 mg/l, Nhiệt độ: 20 – 37 độ, SV30: 30 – 35%, đo 4 lần/ngày ghi chép nhật ký vận hành theo hướng dẫn.
– Vệ sinh bề mặt bể, thành bể thường xuyên trong ca vận hành.
– Tuần hoàn bùn từ Aerotank về 100%.
– Tuần hoàn bùn từ bể lắng 1 về theo chế độ cài đặt van.
MBBR– Kiểm tra các thông số vận hành: pH = 7 – 8, DO: 2 – 4 mg/l, Nhiệt độ: 20 – 37 độ, SV30: 30 – 35%, đo 4 lần/ngày ghi chép nhật ký vận hành theo hướng dẫn.
– Vệ sinh bề mặt bể, thành bể thường xuyên trong ca vận hành.
– Tuần hoàn bùn từ bể lắng 1 về theo chế độ cài đặt van.
Aerotank– Kiểm tra các thông số vận hành: pH = 6.5 – 8.5, DO: 3 – 4 mg/l, Nhiệt độ: 20 – 37 độ, SV30: 30 – 35%, đo 4 lần/ngày ghi chép nhật ký vận hành theo hướng dẫn.
– Thường xuyên kiểm tra bơm cấp lắng, bơm tuần hoàn hoạt động ổn định trong ca vận hành Theo dõi, quan sát lượng bọt khác thường xuất hiện trên bề mặt để đánh giá sự cố – Duy trì mực nước trong bể cách thành 300 – 400mm.
– Thường xuyên kiểm tra bơm cấp lắng, bơm tuần hoàn hoạt động ổn định trong ca vận hành.
– Tuần hoàn bùn về Anoxic 100%.
Bể lắng 1– Vệ sinh bề mặt bể, thành bể, máng thu thường xuyên trong ca vận hành*.
– Thường xuyên kiểm tra bơm tuần hoàn đảm bảo hoạt động ổn định trong ca vận hành.
– Thường xuyên kiểm tra bơm cấp lắng, bơm tuần hoàn hoạt động ổn định trong ca vận hành.
– Thực hiện thanh thải bùn khi chỉ số SV30 trong bể sinh học vượt mức cho phép (> 35%).
– Thanh thải bùn dư, khi đo SV30 bể sinh học lớn hơn 35%.
Bể lắng 2– Thường xuyên kiểm tra bơm bùn thải đảm bảo hoạt động ổn định trong ca vận hành.
– Vệ sinh bề mặt bể, thành bể, máng thu thường xuyên trong ca vận hành.
Bể lọc ngầm– Vệ sinh bề mặt, rửa lọc thường xuyên để tăng hiệu quả lọc.
Bể sau xử lý– Bật bơm ở chế độ auto để luôn đảm bảo nước sau xử lý đưa ra ngoài.
– Vệ sinh thường xuyên, tạo mỹ quan hệ thống.
– Nước sau xử lý, phải được xử dụng Chlorine để khử trùng.

3. Vận hành hệ thống xử lý nước thải thủy sản

3.1 Thao tác tủ điều khiển

Hệ thống xử lý nước thải thủy sản được điều khiển bởi tủ điện điều khiển. Mỗi tủ gồm có các linh kiện cơ bản như sau:

  • 01 đồng hồ Vol kế.
  • 01 đồng hồ Ampe kế.
  • 01 công tắc khởi động.
  • 01 công tắc khẩn cấp.
  • 03 đèn báo 3 pha.
  • 01 aphtomat (CB tổng).
  • 01 hệ thống bảo vệ mất pha.

Các công tắc điều khiển các máy bơm, máy thổi khí…

  • Các máy có 2 chế động hoạt động Auto/Manual (Tự động/điều khiển tay) sử dụng công tắc 3 vị trí: MAN – OFF – AUTO (Điều khiển tay/Dừng/Tự động).
  • Điều khiển hệ thống chạy bằng tay (MAN): Muốn chạy máy nào ta chuyển công tắc sang vị trí MAN (đèn màu xanh sáng) thì máy chạy, gạt công tắc sang STOP (đèn màu xanh tắt) thì máy ngưng.
  • Điều khiển hệ thống chạy theo quy trình tự động: Ta chuyển công tắc của các thiết bị sang chế độ AUTO thì hệ thống bắt đầu chạy theo chương trình đã cài đặt sẵn (Timer) và chuyển công tắc về STOP sẽ dừng, để cho máy chạy ta chuyển các công tắc sang vị trí “Auto”.

3.2 Thao tác vận hành hệ thống xử lý nước thải thủy sản

Bước 1: Nhận bàn giao ca trực

Nhân sự bàn giao ca trực, bàn giao đầy đủ các thông tin quan trọng, đáng lưu ý hoặc có sự thay đổi trong quá trình vận hành ca trước đó, để nhân sự nhận bàn giao nắm bắt đầy đủ, kịp thời các thông tin cần xử lý, triển khai.

Bước 2: Công tác chuẩn bị trước khi vào ca vận hành hệ thống xử lý nước thải thủy sản

1/ Pha hóa chất theo liều lượng hướng dẫn (nếu hết hóa chất).

2/ Kiểm tra lại các vale khóa, vale mở đã phù hợp để bật thiết bị cần hoạt động hay chưa.

3/ Kiểm tra các công tắc điều khiển bơm trên tủ điện, CB,.. đảm bảo bật công tắc đầy đủ các thiết bị cần chạy.

4/ Khởi động thiết bị vận hành.

Bước 3: Vận hành và theo dõi hoạt động hệ thống xử lý nước thải thủy sản

Trong quá trình vận hành, nhân sự vận hành cần đảm bảo thực hiện các công việc sau:

1/ Đo đạc các thông số vận hành: mực nước, pH, DO, SV30 và ghi chép nhật ký vận hành trong ca trực

2/ Thường xuyên theo dõi các bể từ bể gom đến sau xử lý để thực hiện vệ sinh các bể đồng thời phát hiện rủi ro kịp thời như tắc nghẽn ống, nghẹt rác bơm,… để xử lý.

3/ Theo dõi, đo đạc các thông số điện áp, đèn báo trong tủ điện để phát hiện sự cố kịp thời để xử lý.

4/ Theo dõi lượng hóa chất trong bồn để pha chế  kịp thời cũng như hóa chất trong kho để đề xuất mua hàng kịp thời cho quá trình vận hành

5/ Thực việc thanh thải bùn khi đo thông số SV30 lớn hơn 35%, đồng thời ép bùn hằng ngày trong ca trực tạo không gian cho việc thanh thải bùn già, bùn dư

6/ Theo dõi quá trình tuyển nổi (áp, khí, hóa chất keo tụ), vệ sinh bơm tuần hoàn khi có sự cố hoặc tuyển nổi không hiệu quả.

3.3 Hướng dẫn pha hóa chất cho hệ thống xử lý nước thải thủy sản

– Kiểm tra hoá chất còn hay hết.

– Pha hoá chất theo đúng liều lượng.

SttHoá chấtSố lượng (kg/ngày)Số lần pha (lần/ngày)Ghi chú
1PAC cho DAF30 – 322– Pha 15kg – 16kg vào bồn 500L.
– Ngày pha 02 lần: vào lúc 08h sáng và 20h tối.
– Điều chỉnh bơm định lượng: 40L – 42L/giờ.
2Polymer cho DAF0,5 – 0,61– Pha 100g – 120g vào bồn 500L. (chú ý độ nhớt mà bơm định lượng hút được)
– Ngày pha 05 lần vào các giờ: 08h sáng, 13h trưa, 19h chiều, 23h tối. (vận hành pha thí điểm theo dõi sự phù hợp để hiệu chỉnh tối ưu)
– Điều chỉnh bơm định lượng: 100L/giờ.
3PAC cho lắng 25,5 – 6,01– Pha 5.5kg – 6kg vào bồn 500L.
– Ngày pha 01 lần: vào lúc 08h sáng.
– Điều chỉnh bơm định lượng: 20L – 22L/giờ.
4Chlorine1,0 – 1,51– Pha 1kg – 1.5kg vào bồn 500L.
– Ngày pha 01 lần: vào lúc 08h sáng.
– Điều chỉnh bơm định lượng: 20L – 22L/giờ.

Lưu ý: Khối lượng hóa chất sử dụng trên được đề xuất sử dụng với tình hình nước thải hiện tại của hệ thống với lưu lượng giao động 180 – 200 m3/ngày. Nếu lượng nước có thay đổi cần điều chỉnh liều lượng hóa chất phù hợp với thực tế.

  • Pha hoá chất PAC cho DAF

Lượng dùng: 160g – 170g/m3 nước thải cần xử lý

Bước 1: Mở vòi nước sạch cho nước vào thùng pha hóa chất (thùng pha PAC) đến nửa bồn hoá chất (bồn 500 L).

Bước 2: Cho PAC từ từ vào thùng pha PAC đã chứa nước. Quá trình được tiến hành cho đến khi đã cho hết PAC vào thùng. Bật máy khuấy, khuấy đều đến khi PAC tan hết và cho nước tới mức bồn quy định, sau đó khoá nước lại.

Bước 3: Bật máy khuấy về chế độ Auto.

  • Pha hoá chất POLYMER ANION  cho DAF

Lượng dùng: 3 g/m3 nước thải cần xử lý

Bước 1: Mở vòi nước sạch cho nước vào thùng pha hóa chất (thùng pha POLYMER ANION ) tới đến nửa bồn hoá chất (bồn 500 L).

Bước 2: Cho POLYMER ANION  từ từ vào thùng pha POLYMER ANION  đã chứa nước. Quá trình được tiến hành cho đến khi đã cho hết POLYMER ANION  vào thùng. Bật máy khuấy, khuấy đều đến khi POLYMER ANION  tan hết và cho nước tới mức bồn quy định, sau đó khoá nước lại.

Bước 3: Bật máy khuấy về chế độ Auto.

  • Pha hoá chất PAC cho lắng 2

Lượng dùng: 30g – 35g/m3 nước thải cần xử lý

Bước 1: Mở vòi nước sạch cho nước vào thùng pha hóa chất (thùng pha PAC) đến nửa bồn hoá chất (bồn 500 L).

Bước 2: Cho PAC từ từ vào thùng pha PAC đã chứa nước. Quá trình được tiến hành cho đến khi đã cho hết PAC vào thùng. Bật máy khuấy, khuấy đều đến khi PAC tan hết và cho nước tới mức bồn quy định, sau đó khoá nước lại.

Bước 3: Bật máy khuấy về chế độ Auto.

  • Pha hoá chất Chlorine

Lượng dùng: 5g – 6g/m3 nước thải cần xử lý

Bước 1: Mở vòi nước sạch cho nước vào thùng pha hóa chất (thùng pha Chlorine) tới đến nửa bồn hoá chất (bồn 500 L).

Bước 2: Cho Chlorine từ từ vào thùng pha Chlorine đã chứa nước. Quá trình được tiến hành cho đến khi đã cho hết Chlorine vào thùng. Bật máy khuấy, khuấy đều đến khi Chlorine tan hết và cho nước tới mức bồn quy định, sau đó khoá nước lại.

Bước 3: Bật máy khuấy về chế độ Auto.

4. Các nguyên tắc cần đảm bảo tuyệt đối khi vận hành hệ thống xử lý nước thải

  • Duy trì điện cung cấp cho các máy thổi khí, không để mất điện quá 4 giờ.
  • Cung cấp lưu lượng thải vào bể hiếu khí đúng với công suất thiết kế.
  • Không cho các hóa chất gây độc cho vi sinh vào bể hiếu khí như: Chlorine, các chất khử trùng, các chất tẩy rửa, dầu mỡ,…

Lưu ý: Duy trì VSV trong bể hiếu khí khi không có điều kiện cung cấp nước thải quá 4 ngày bằng cách:

  • Duy trì điện cấp cho các máy thổi khí (bắt buộc).
  • Sử dụng 1kg bột cá (mịn) cho 1.000 m3/ngày nước thải làm dinh dưỡng cho hệ vi sinh trong bể hiếu khí (pha loãng bột cá và tạt đều bể).

5. Kết luận

Hiểu rõ quy trình công nghệ, nắm vững thông số vận hành và tuân thủ nghiêm ngặt các nguyên tắc là chìa khóa then chốt để vận hành hệ thống xử lý nước thải thủy sản một cách hiệu quả và bền vững.

Bằng việc trang bị đầy đủ kiến thức, kỹ năng cho người vận hành kết hợp với việc ứng dụng công nghệ tiên tiến, chúng ta hoàn toàn có thể kiểm soát dòng chảy ô nhiễm, biến “thách thức” thành “cơ hội” để ngành thủy sản phát triển bền vững, gắn liền với bảo vệ môi trường.


Mục lục
Close Menu